Tại Việt Nam, giá trị của thị trường bán lẻ trực tuyến còn khá khiêm tốn so với quy mô chung của toàn ngành bán lẻ nhưng vẫn không thể phủ nhận tiềm năng của mô hình này. Dù đến nay vẫn chưa có nhiều những cửa hàng trực tuyến đúng nghĩa, nhưng dịch vụ giao hàng tận nhà bằng xe gắn máy cho khách có hóa đơn mua hàng giá trị cao của một số hệ thống bán lẻ đã được tổ chức với chất lượng dịch vụ khá tốt. Tuy nhiên, vấn đề chi phí cho dịch vụ này vẫn là bài toán cần lời giải.
Thế Giới Di Động từng xây dựng cả một đội ngũ giao hàng cho kênh bán hàng trực tuyến của mình. Thế nhưng về sau chuỗi bán lẻ này đã phải giải tán lực lượng này và tận dụng nhân viên có sẵn tại hơn 200 siêu thị trên toàn quốc của mình. Một biện pháp khác được thực hiện là giảm bớt khâu trung gian giữa nhà cung cấp và các siêu thị trong hệ thống. Nếu như trước kia, các nhà cung cấp giao hàng về kho trung tâm của Thế Giới Di Động để sau đó hàng được chuyển đến từng siêu thị thì bây giờ, nhà cung cấp sẽ giao hàng trực tiếp đến siêu thị.
Ông Trần Nhật Linh, Giám đốc bán hàng phi truyền thống của Thế Giới Di Động, cho biết nhờ những động thái kể trên, chi phí cho dịch vụ giao hàng của họ hiện chiếm bình quân 1% trên tổng doanh thu. Thêm vào đó, việc tận dụng hệ thống quản lý hàng hóa dựa trên phần mềm quản trị ERP để có thông tin chính xác về trạng thái, dự đoán sức bán, hàng tồn, phân bổ hàng hóa kịp thời cũng đã giúp doanh nghiệp này quản lý hàng tồn tốt hơn và tiết giảm thêm được một số chi phí khác.
Ở Mỹ, để cạnh tranh với nhà bán lẻ trực tuyến Amazon, Wal-Mart đã liên tục nghĩ ra những mô hình khác nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm tại nhà của khách hàng.
Trên thực tế, hoạt động bán lẻ trực tuyến giao tận nhà đã được Wal-Mart thực hiện từ lâu và mang lại cho người tiêu dùng nhiều lợi ích. Tuy nhiên, mặt trái của hình thức này là khách hàng thường phải chờ đợi lâu và tốn thêm chi phí cho khâu vận chuyển. Trong khi đó, với việc mua sắm truyền thống ở các siêu thị, người tiêu dùng sẽ được tận tay kiểm tra sản phẩm trước khi mua.
Trong bối cảnh đó, một mô hình mới kết hợp những ưu điểm của cả hai hình thức bán lẻ nói trên đã bắt đầu được thử nghiệm và áp dụng rộng rãi với tên gọi Buy Online Pick-up in Store (BOPS). Tuy không phải là đơn vị đầu tiên thử nghiệm hình thức BOPS cho phép người dùng đặt hàng trực tuyến và tự đến cửa hàng nhận sản phẩm, nhưng Wal-Mart có khả năng sẽ trở thành nhà bán lẻ với hệ thống giao hàng mạnh nhất, với 4.000 siêu thị tại Mỹ và hơn 10.000 chi nhánh trên khắp thế giới.
Bắt đầu từ mùa hè 2013, chuỗi bán lẻ khổng lồ này đã đưa vào thử nghiệm mô hình BOPS tại một số địa điểm ở Mỹ. Theo đó, Wal-Mart cho lắp đặt những tủ khóa số tại các siêu thị và cung cấp mật mã cho khách đặt hàng trực tuyến để họ có thể tự đến nhận sản phẩm chỉ trong vòng 2-3 giờ. Bởi vì có đến 2/3 dân số nước Mỹ sống trong bán kính 8 km tính từ một siêu thị Wal-Mart bất kỳ nên mô hình này hứa hẹn sẽ giúp tiết giảm chi phí giao nhận cho cả người bán lẫn người mua, đồng thời giúp nhà bán lẻ này không bị bỏ lại trong cuộc đua với các đối thủ.
Trước Wal-Mart, Amazon đã kết hợp với 2 chuỗi bán lẻ nổi tiếng khác là Staples (văn phòng phẩm) và RadioShack (thiết bị điện tử) để lắp đặt tủ khóa số cho phép khách hàng mua sắm theo hình thức BOPS. Các chuỗi Target, BestBuy, Nordstrom, HomeDepot, hay Sears (đều của Mỹ) cũng là những đơn vị đã và đang thử nghiệm mô hình bán lẻ tương tự.
Theo thống kê của Forrester Research (Mỹ), hiện mô hình BOPS đã được hơn 40% người tiêu dùng nước này sử dụng. Hình thức bán lẻ mới đã giúp tăng doanh số khi có đến 1/3 người tiêu dùng Mỹ cho biết họ thường quyết định mua thêm hàng khi đến nhận sản phẩm tại các siêu thị hoặc cửa hàng.
Một yếu tố khác khiến cho hình thức này ngày càng phổ biến chính là việc những khách hàng không có thói quen thanh toán trực tuyến có thể sử dụng BOPS làm công cụ để kiểm tra xem liệu cửa hàng họ sắp đến có sẵn món hàng mình cần hay không. Với mô hình BOPS, trong quá trình đặt hàng trực tuyến, người tiêu dùng sẽ biết được cụ thể những sản phẩm cần mua đang có ở điểm bán nào và có thể an tâm đi đến đó mà không sợ phải ra về tay không. Cũng vì lý do này các nhà bán lẻ ở Mỹ đã thống kê được rằng ở những khu vực có điểm bán lẻ áp dụng BOPS, dù doanh số từ đơn hàng trực tuyến giảm sút nhưng bù lại doanh số tại siêu thị và cửa hàng của họ lại tăng lên khá nhiều.
Hồi tháng 6, nhà bán lẻ thời trang Gap (Mỹ) còn quyết đẩy mô hình BOPS đi xa hơn khi thử nghiệm việc cho phép khách hàng "xí phần" các sản phẩm trên website và đến điểm bán để thanh toán và nhận hàng chậm nhất là 1 ngày.
Nếu như mô hình BOPS của Wal-Mart hay Amazon chỉ đơn giản là nhằm giúp khách hàng đặt và thanh toán trực tuyến rồi tự đến nhận hàng ở các tủ khóa số mà không cần phải đặt chân vào bên trong điểm bán, thì mô hình BOPS của Gap sẽ "ép buộc" người mua phải bước vào cửa hàng để thử và thanh toán tại chỗ. Việc này có thể thúc đẩy họ mua thêm những sản phẩm khác và tăng doanh số cho Công ty.
Mặc dù chưa biết quyết định này của Gap sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng rõ ràng các nhà bán lẻ ngày nay, dù lớn hay nhỏ cũng đều cố gắng xóa nhòa ranh giới giữa ảo và thật khi người tiêu dùng đang trở nên khó tính và dè sẻn hơn trong chi tiêu.